Cứ cách một khoảng thời gian, tôi hay nhìn lại xem mình đã làm được những gì trong một tháng, một quý, một năm. Một điều thú vị là khi kết nối nhiều năm lại với nhau, tôi phát hiện thực ra mình cũng đã kinh qua hàng tá công việc. Tuổi trẻ cho phép ta thử rất nhiều công việc, và mỗi công việc đó sẽ hình thành nên chúng ta bây giờ.
Giao voucher
Công việc đầu tiên của tôi bắt đầu vào năm 2 đại học, tôi và một đứa bạn thân quyết định tìm một cái gì đó để làm. Nó kiếm đâu đó được một tin tuyển dụng giao voucher khuyến mãi. Thời đó thẻ voucher mới ra nên rất hot. Và công ty đi đầu trong sản phẩm này là Hotdeal. Chúng tôi sau khi lên trụ sở công ty được hướng dẫn cơ bản về công việc khoảng 1 tiếng đồng hồ thì bắt đầu công việc luôn.
Công việc giao voucher khiến chúng tôi đi khắp các hang cùng ngõ hẻm ở sài gòn, dù nắng và gió. 16k/ địa điểm giao hàng, đã bao gồm chi phí xe xăng, rủi ro tai nạn các thứ. Và đôi khi đến nơi điện mà khách hàng “quên” không bắt máy. Cái mà tôi nhận ra sau công việc đầu tiên đó là kiếm ra đồng tiền thật không dễ dàng.
Làm nhân viên marketing
Công việc thứ 2 tôi dấn thân trong thời sinh viên, đó là nhân viên Marketing cho một công ty chuyên về xây dựng và thiết kế nội thất. Nhưng nếu kể ra chi tiết những gì tôi làm lúc đó thì hơi không liên quan lắm. Tôi được giao cho công việc đến các tiệm hớt tóc, salon tóc để thuyết phục chủ tiệm đồng ý là cộng tác cho công ty.
Các bạn thấy tò mò không hiểu tại sao đúng không? Thông thường khách khi đến hớt tóc, chủ tiệm thường vừa hớt tóc/ gội đầu/ ngoáy tai, vừa trò chuyện với khách hàng. Nếu có một khách hàng nào có nhu cầu xây dựng hay cần thi công nội thất thì có thể giới thiệu cho công ty để được hoa hồng. Về phần tài liệu, catalog và banner sẽ được công ty cung cấp miễn phí. Đến bây giờ tôi vẫn nghĩ đó là một ý tưởng marketing không tồi. Và hơn thế nữa, tôi có thu nhập tương đối khá so với đi phát voucher. Một tuần tôi chỉ dành 2 buổi sáng cho công việc. Mỗi buổi 2-3h tôi thuyết phục được được ít nhất 5-7 cộng tác viên. Mỗi cộng tác viên tôi được 50k, như vậy trung bình mỗi buổi tôi cũng được 300k. Thời gian này cũng rèn cho tôi khả năng nói chuyện với người lạ và mạnh dạn hơn trong giao tiếp.
Gia sư
Đứa bạn cùng phòng sau khi hết sạch tiền tiêu trong tháng. Nó quyết định phải kiếm một công việc để làm. Thế là nó đăng kí làm gia sư ở trung tâm gia sư. Vừa đăng kí xong thì chiều ngày hôm đó có nhân viên bên trung tâm gia sư gọi nó đi làm. Nó dạy lớp 12 đâu chừng được dăm ba hôm thì chán nghỉ. Vào một buổi chiều khác lại có nhân viên bên trung tâm gọi nó.
Nó quay sang hỏi tôi: Mày có muốn làm gia sư không Vĩ? Dạy một đứa lớp 8 ngay gần phòng trọng mình. Khi xưa tôi cũng học khá tốt, và cũng khá tự tin vào kiến thức của mình. Tôi hay thường chỉ bài cho mấy đứa em họ con cô ruột. Nên khi nghe nó hỏi, tôi nhận thấy cũng là ý hay. Cuối cùng tôi quyết định đi làm “gõ đầu trẻ”.
Gia sư là một công việc nhàn, phải nói là rất khỏe và tính ra lương/ giờ là cao nhất trong các công việc part-time. Thế nên ai đang là sinh viên và cần có thêm thu nhập thì công việc gia sư là sự lựa chọn tuyệt vời. Đặc biệt khi bạn dạy những lớp nhỏ thì cũng không cần quá nhiều nơ ron. Học sinh của tôi là một cô bé nhà khá giả, có kết quả học tập không được tốt cho lắm. Sau buổi đầu tiên tiếp xúc, tôi phát hiện không phải em không thông minh, mà vì lười học. Tôi tích cực cho bài tập và chủ yếu là hướng dẫn cô bé cách tự suy nghĩ logic để tìm ra hướng giải. Dạy cô bé qua năm lớp 9 thì ngưng, bé nói rằng tập trung vào môn tiếng anh để đi du học gì đó. Từ đó tôi “mất dạy”:)
Logistic forwarder
Công việc chính thức full-time đầu tiên của tôi là tại một công ty forwarder. Có lẽ sẽ có nhiều bạn nghe từ “forwarder” không biết nó là cái gì. Đơn giản chỉ là công ty thực hiện dịch vụ giao và nhận hàng hóa (chuyên bên mảng quốc tế) như book tàu, cho thuê xe, làm các thủ tục hải quan xuất nhập khẩu. Đa phần những công ty này không trực tiếp thực hiện tất cả các dịch vụ, mà họ sẽ thuê một bên thứ 3 để làm. Họ chỉ tập trung mảng kinh doanh cốt lõi là book tàu, mang lại nhiều lợi nhuận nhất.
Tôi chọn “forwarder” để bắt đầu vì nghĩ rằng đúng với chuyên ngành mình học. Lúc đó sẽ có thể áp dụng những kiến thức học ở trường. Tuy nhiên đến khi vào làm thực tế mới biết. Cái mình làm hầu như khác xa với cái mình đã học trên giảng đường. Ngoài ra ngành dịch vụ đòi hỏi miệng lưỡi và ranh mãnh mới có thể hài lòng khách hàng khiến tôi thấy mình như lạc lõng. Thế là sau 4 tháng thử sức ở mảng dịch vụ, tôi quyết định sẽ không làm công việc này nữa, và thậm chí sau này cũng không muốn làm về dịch vụ.
Làm gốm
Gốm là một thứ gì đó rất dân dã và gần gũi với người Việt Nam. Tôi chuyển qua bán gốm xuất khẩu. Ba khu vực mệnh danh là thủ phủ gốm ở Miền Nam gồm Vĩnh Long (chuyên hàng đất nung), Bình Dương và Đồng Nai. Không biết có phải do đặc tính thổ những ở mỗi vùng sẽ cho ra loại gốm khác nhau hay không. Mà khi lấy đất ở các tỉnh khác làm sẽ không ra được gốm chất lượng như 3 nơi trên.
Thời gian tiếp xúc với sản phẩm, cùng khách hàng đi các lò gốm để tìm hiểu về quy trình, đặc tính sản phẩm cũng giúp tôi tích lũy được khá nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Đặc biệt đối với hàng chậu men, phải nung ở nhiệt độ rất cao (trên 1000 độ C). Thậm chí men mỗi mẻ pha dù cùng công thức, nhưng sau khi nung lại cho ra màu không giống nhau. Vì thế đối với các chậu men ở Việt Nam được làm thủ công và không chậu nào giống chậu nào.
Hội chợ Canton Fair – Quảng Châu (lúc làm tại công ty gốm)
Bên nước ngoài họ hay lắm, họ mỗi năm sẽ “clear garden” 1 lần, thay tất cả các chậu cây cũ bằng chậu cây mới. Như vậy thì mới có lượng nhu cầu mỗi năm. So sánh với dân Việt mình, vì điều kiện kinh thế mặt bằng chung vẫn là nước đang phát triển, có thu nhập thấp. Sản phẩm chậu trang trí không phải là nhu yếu phẩm. Nên dân mình xài 1 chấu gốm có thể đời này truyền qua đời khác, xài mãi không thay.
Nhược điểm lớn nhất của kinh doanh gốm, đó chính là thời gian sản xuất lâu. Đặc biệt là chậu men lớn, phải mất từ 4-6 tháng mới hoàn thành xong đơn hàng. Thêm cái nữa là giá trị cont hàng thấp. 1 cont 40′ chỉ tầm 10,000 USD (230 triệu VNĐ). Ấy vậy mà sản phẩm gốm gắn bó với tôi cũng gần 3 năm với nhiều kỉ niệm. Nào là đi xuống xưởng, làm việc với khách nước ngoài, tính toán chào giá, đi hội chợ…
Làm sắt thép
Tôi cũng trải qua thời gian làm ngành công nghiệp nặng với sắt thép. Thời ấy tôi cũng không có một chút khái niệm nào về sản phẩm này. Thử sức với một sản phẩm hoàn toàn mới, và môi trường cũng mới không kém. Vì là công ty Đài Loan nên tại đây tôi được học và nói tiếng Trung Quốc.
Cả team sắt thép trong đám cưới của anh đồng nghiệp
Nhìn chung người Đài Loan làm việc khá chuyên nghiệp và bài bản. Về sau tôi mới biết ra rằng họ học tập Nhật Bản trong phong cách làm việc. Hàn Quốc cũng là quốc gia copy mô hình phát triển của Nhật và cũng đã rất thành công. Tuy nhiên ở công ty Đài Loan, vấn đề phân bậc cấp, kiểu giống như phong kiến thời xưa vẫn còn lưu giữ đến ngày nay. Một công ty to có rất nhiều cấp bậc. Cấp dưới cự kì sợ cấp trên. Đồng thời, họ quản lý theo hệ thống và quy trình.
Tôi cũng tìm hiểu ra rằng sắt thép là ngành công nghiệp cần thiết để phát triển đất nước. Như các nước Nhật Bản và Hàn Quốc, họ đều là những cường quốc về ngành sắt thép. Tuy nhiên họ bắt đầu chuyển dần các nhà máy thép sang những nước đang phát triển. Các bạn có biết vì sao không? Tại vì làm thép để lại phía sau là ô nhiễm môi trường. Trung Quốc họ ô nhiễm nhiều cũng vì ngành công nghiệp nặng này.
Thời gian làm ở đây cho tôi cơ hội được tiếp xúc với các doanh nghiệp sản xuất lớn ở Việt Nam như Hoa Sen, Nam Kim, SMC, Hòa Phát… Hay các tập đoàn thép quốc tế CSC (China Steel Corporation), JSC (Japan Steel Corporation), Huynhdai, Maruni Itochu…
Nông sản
Ý định làm nông sản xuất phát khi tôi đọc các bài viết về “Tony Buổi Sáng”. Các viết của “dượng Tony” khiến tôi mê lắm, đơn giản mà sâu sắc. Dượng cũng khuyến khích thanh niên trẻ hãy chịu khó làm việc, nếu không tìm việc ở sài gòn thì có thể nghĩ đến các vùng tỉnh xa. Nơi mà tài nguyên rất dồi dào, nhưng lại không có quá nhiều cạnh tranh. Một câu nói ấn tượng sâu sắc với tôi là “Gánh rau ra chợ trời tây”. Việt Nam mình vô cùng phong phú nông sản. Tuy nhiên hễ người dân được mùa thì mất giá, ngược lại được giá thì mất mùa. Vì thế tìm cách nào để sản phẩm nông sản của Việt Nam có đầu ra ổn định. Không chỉ dừng lại ở sản phẩm thô, mà phải tăng giá trị cho chúng ở dạng chế biến, hàng giá trị gia tăng.
Chụp hình cùng khách đến tham quan nhà máy
Công ty tôi trước kia chuyên về sản xuất thủy sản. Sau đó mới chuyển qua phát triển hàng nông sản. Mọi thứ đều “như mới”. Nhà máy sửa mới, đội ngũ sản xuất mới, đội sales mới. Tôi cùng các bạn trong team bán hàng phải vật lộn từng ngày để tìm kiếm những khách hàng đầu tiên đặt hàng. Nhìn lại quãng thời gian ở đây cũng thấy rất tự hào, vì team chúng tôi đã đặt những viên gạch đầu tiên cho công ty để phát triển.
Camera
“Camera” ở đây không phải là điện thoại hay máy ảnh đâu nhé. Nó là camera giám sát. Thường được đặt ở các địa điểm kinh doanh hoặc nơi giữ xe, thang máy để đảm bảo an ninh.
Ý tưởng này xuất phát từ 1 đứa bạn của tôi. Nó đang làm cho một công ty về camera giám sát. Tuy mức độ phủ thương hiệu và thị trường không mạnh, nhưng chất lượng sản phẩm khá tốt, nằm ở phân khúc cao cấp. Camera chống trộm là sản phẩm giải quyết nhu cầu an toàn của con người và thị trường là chắc chắn tồn tại.
Dự án camera Teco
Kế hoạch lúc ấy của tôi rất đơn giản. Tôi và nó sẽ cùng nhau thực hiện dự án. Tôi chuyên về bán hàng hơn. Nó thì dân kỹ thuật, chuyên mảng lắp đặt và bảo trì. Trong bảng kế hoạch cũng đưa ra thời gian cụ thể cho từng giai đoạn. Mỗi thời điểm cần hoàn tất công việc gì và chi phí ra sao. Chúng tôi thực hiện khá suôn sẻ trong giai đoạn đầu: làm catalog, lên bảng giá, làm website, viết bài mạng xã hội…Nhưng phần sau thì 2 đứa lại không cùng quan điểm trong việc bán hàng cũng như định hướng phát triển. Dù dự án không thành công nhưng cũng giúp tôi nhận ra nhiều điều. Đây cũng là làn khởi nghiệp bài bản đầu tiên.
Bất động sản
Bất động sản cũng là một câu chuyện thú vị. Chuyện là tôi có một đứa bạn, đã thành lập doanh nghiệp và thành công ở lĩnh vực kinh doanh nội thất (furniture). Một cuộc hội ngộ bất ngờ tại quận 10. Nó mới chia sẻ đang có ý định mở công ty về bất động sản. Giỏ hàng nhắm tới là các dự án đã có tên tuổi, tiếng tăm và dễ bán. Thực ra vào năm cuối đại học, tôi cũng đã học chứng chỉ về môi giới bất động sản. Nhận thấy ý tưởng có tiềm năng lớn, tôi quyết định join dự án.
Tư vấn cho khách mua dự án
Tôi bắt đầu được training về dự án chung cư, về cách tiếp cận và gọi điện cho khách hàng. Nó là cả một nghệ thuật để tạo mối quan hệ với khách và chốt căn. Thâm chí chỉ sau hơn 1 tháng, tôi cũng đã có được vài khách hàng kí hợp đồng. Tuy nhiên dự án liên tiếp bị delay ngày mở bán, khiến cả người bán và người mua đều thất vọng. Cuối cùng các khách hàng chúng tôi kí được đều rút cọc. Thế là 3 đứa chúng tôi mỗi người mỗi hướng.
Bán cafe và Giao hàng
Tôi mê cafe lắm. Một buổi sáng nọ trong lúc chạy bộ ngoài bờ đê Hoàng Sa, Trường Sa, tôi phát hiện một quán cafe đang cần tuyển người. Tiện lúc ấy thời gian trống cũng tương đối nhiều. Tôi quyết định đi bán cafe.
Đi bán cafe tại Laha
Nó là một quán cafe pha máy nhỏ, mang tên Laha. Về sau này tôi mới biết họ đã lên chuỗi. Quán cafe mà tôi đang làm là quán đầu tiên của chuỗi này. Founder của Laha là một chàng trai Hoàng Việt, có bằng tốt nghiệp đại học. Sau khoảng thời gian công tác tại ngân hàng, anh bắt đầu sự nghiệp của mình với cafe takeaway. Sau rất nhiều cú ngã, khó khăn và thất bại thì cuối cùng anh cũng xây dựng nên quy trình hoàn thiện cho chuỗi take away.
Cafe ở đây rất ngon. Quán cũng cực kì đông khách. Mỗi buổi sáng có thể doanh thu trung bình 5 triệu. Không bàn về chất lượng, nhưng cách phục vụ ở đây cũng khác biệt vô cùng. Nó gọi là cá nhân hóa theo từng khách hàng. Người pha chế, đặc biệt là bạn chủ quán, có thể nhớ được từng khách hàng đến uống, cũng như khẩu vị của từng khách: đắng, ít đắng, sữa nhiều, cafe 2 lần nước.
Cũng trong thời gian này, tôi cho phép mình thử công việc giao hàng công nghệ là như thế nào. Chạy được 1 tháng là người tôi đen nhẻm, nhận không ra luôn.
Bán cá
Tôi bắt đầu công việc bán cá, khi bà xã tôi mang bầu bé Cà. Bán cá ở đây không phải ra chợ bày cái sạp ngồi bán đâu. Mà là bán cá basa xuất khẩu. Thực ra lượng cá basa ở Việt Nam gần như không còn nhiều. Tất cả cá xuất khẩu hiện nay đều là cá tra, cùng họ với basa, nhưng dễ nuôi và cho sản lượng cao. Việt Nam mình là quốc gia xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới.
Hội chợ thủy sản quốc tế
Con cá tra đem đến kinh tế cho các hộ nông dân tại đồng bằng sông Cửu Long. Không hiểu tại sao con sông Mekong chảy qua cả 4 nước Đông Nam Á, nhưng chỉ duy nhất cá tra trên dòng sông này thuộc địa phận của Việt Nam thì mới cho thịt trắng và thơm ngon. Cảm ơn dòng sông Mekong đã ban tặng món quà quý giá đến dân tộc Việt Nam.
Và hiện tại tôi cũng đang kinh doanh nấm linh chi. Sản phẩm thiên nhiên mang đến sức khỏe cho người sử dụng, đặc biệt là người cao tuổi, người hay mất ngủ, bị cao huyết áp, tiểu đường hay men gan cao. Đây là dự án kinh doanh khởi nghiệp mà tôi cảm thấy khá ý nghĩa.
Còn bạn thì sao? Bạn đã trải qua bao nhiêu công việc rồi?
Thật ra số lượng công việc bạn từng làm không quan trọng, dù nó là 1 hay 100. Cái quan trọng nhất là bạn học được những gì qua từng công việc đó. Tôi trân trọng tất cả công việc mình đã trải qua. Dù ít hay nhiều đều là những bài học tuyệt vời, những kiến thức và kĩ năng cần thiết để tôi trưởng thành hơn
Tác giả
Nguyễn Văn Vĩ