Tôi đã đọc rất nhiều sách về kinh doanh. Nhiều tác giả đã nói kinh doanh cũng giống như lái xe vậy. Khi lần đầu cầm vô lăng, cái gì cũng mới, cũng bỡ ngỡ, tâm lý lại vô cùng hồi hộp và lo sợ. Nhưng chỉ sau vài lần cầm lái, bạn sẽ có kinh nghiệm và việc lái xe trở nên như là bản năng của bạn.
Tôi thèm cái cảm giác được cầm vô lăng trong tay, đối diện với thứ mà trước giờ mình chưa biết, để cuối cùng chinh phục nó.
Đó là một buổi chiều tháng 4, sau nhiều lần hối thúc thằng bạn thân quyết định đăng kí để học lái xe chung. Nó đã gật đầu đồng ý. 2 đứa nộp tiền cho trung tâm lái xe Tiến Thành, có trụ sở tại quận 8 và chi nhánh Bình Thạnh. Một nơi mà tôi đã nghiên cứu trên mạng trước đó một thời gian. Để cuối cùng chấp nhận mức học phí cao hơn trường Đại học cảnh sát một xíu, nhưng bù lại chúng tôi được tự do chọn giờ học.
Sau đó 2 tuần, chúng tôi đặt lịch cho buổi học đầu tiên. Một chút hồi hộp và lo lắng vì buổi đầu tiên, chúng tôi đã đến sớm hơn 30p, ngồi đợi dài cổ để gần đến giờ mới dám gọi thầy giáo. Sau đó chúng tôi đươc chỉ định đến trước một cổng trường tiểu học ở An Phú, Q.2, xe thầy đang chờ ở đó.
Một thầy giáo cũng trạ tuổi bọn tôi, hoặc tối đa chỉ lớn hơn tôi vài tuổi. Sau khi hỏi thăm về chúng tôi và được thông báo là ngày đầu tiên học, thầy chở chúng tôi đến một đoạn đường vắng hơn cách đó vài trăm mét. Buổi học bắt đầu khá thoải mái.
Trong 2 đứa, tôi là đứa nhanh mồm mép hơn, cũng là người cho thực hành ngồi vào ghế trước. Thầy hướng dẫn đầu tiên cần ngồi vào ghế một cách thoải mái, điều chỉnh lại khoảng cách ghế sau cho khi đạp chân côn không bị với. Thoạt đầu, tôi rất lúng túng. Chắc cũng tại tính tôi hay muốn làm nhanh nên không đúng động tác, còn bị thầy phê bình là mới ngồi mà đã vội vàng vậy sao lái được. Nghĩ cũng buồn cười, thì người ta không biết mới phải đi học.
Chúng tôi được giải thích về công dụng của côn, nó chính là bộ ly hợp để ngắt kết nối truyền động giữa động cơ và trục bánh xe. Tóm lại khi khởi động, chuyển số, hoặc thắng đều cần đạp côn. Muốn xe di chuyển thì bắt đầu nhả côn từ từ. Đối với số 1 và số 2 thì cần nhả côn 50%, ngưng 3s mới bắt đầu nhả hết. Số 3,4,5 thì không cần vì lúc đó xe đã có trớn sẵn.
Quy trình khởi động xe bao gồm đạp côn mở khóa khởi động, sau đó mở khóa bánh. Cho xe về số 1, nhả côn 50% để xe lăn bánh, giữ 3s sau đó nhả hết côn. Tiếp tục đạp côn vô số 2, cũng tương tự nhả từ từ, giữ 3s rồi nhả hết côn, qua số 3,4,5 nếu xe đạt tốc độ tối thiểu 30, 40,50 km/h. Lưu ý nếu ko lên ga thì chân phải lúc nào cũng phải thủ ở chân thắng.
Muốn quẹo thì cần đá xi nhanh trước đó 30m, nên đạp côn và canh cần gạt nước tới mép đường là đánh lái dứt khoát. Đánh lái 1 vòng hay 1/2 vòng phụ thuộc vào cua rộng hay hẹp. Sau đó trả nhanh về vị trí vô lăng ban đầu và nhả côn ra để xe không bị dừng.
Khi muốn tăng tốc, cần đạp ga. Nếu nhả chân ga thì đạp côn để xe chạy trớn.
Cách thắng được ưu tiên là bằng cách đạp côn, nếu cần thắng gấp mới dùng chân thắng.
Lý thuyết đơn giản là thế, nhưng sau 1h đánh tay lái nguội, chúng tôi được đưa vào vị trí cần lái thực thụ. Xe bon bon chạy trên một con đường thật ở Q2, với hàng tá phương tiện đi lại xung quanh. Dù biết là thầy ngồi kế bên và dưới chân thầy là một cái thắng phụ. Tuy tôi ngồi vào vô lăng nhưng cái xe luôn dưới sự kiểm soát của thầy. 2 chúng tôi vẫn cực kì hồi hộp. Đã nhiều pha thót tim khi liên tục đến ngả 4, có quá nhiều người đi 2 bên đường, trong khi chúng tôi mải chú ý bên này thì lại quên béng phải đánh vô lăng để quẹo theo yêu cầu của thầy. Đúng là đến khi trải nghiệm mới biết được ngồi trước vô lăng cảm giác thế nào.
Buổi học kết thúc sau 2h, và tôi được khen vì trong lúc học thầy không đánh giá cao vì tâm lý hấp tấp của tôi, nhưng đến khi thực hành tôi lại là đứa làm tốt hơn. Tôi luôn tin rằng việc gì chúng ta đều cũng có thể làm được. Miễn là có một tinh thần học tập và không ngại khó khăn.
Trích, nhật kí chạy xe. 08.05.2021
Tác giả
Nguyễn Văn Vĩ