Tiêu đề là một câu hỏi mà rất nhiều người có thể trả lời ngay, và dĩ nhiên là không ai muốn mắc nợ. Từ nợ ở đây có rất nhiều ngữ nghĩa, từ nợ vật chất, tiền bạc đến nợ về tình cảm, tinh thần. Trong khuôn khổ bài viết này, khái niệm nợ được gói gọn về mặt vật chất.
Phân loại nợ tốt, nợ xấu
Tôi từng tranh luận với một người đồng nghiệp ở công ty về định nghĩa chung chung về tốt xấu. Cái mà chúng ta gọi là tốt hay xấu là rất chủ quan. Một sự vật, sự việc có thể là tốt đối với người này, nhưng là xấu đối với người khác. Nó có thể đúng trong hoàn cảnh này, nhưng đặt chúng vào một hoàn cảnh khác nó lại không đúng nữa.
Tôi lấy ví dụ như việc tập thể dục chẳng hạn. Đối với một người bình thường thì việc tập thể dục sẽ giúp cơ thể khỏe khoắn, tăng độ dẻo dai. Nói chung là tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên nếu bắt một người vừa mổ chi (tay hoặc chân) và tập thể dục mạnh thì y như rằng thể dục sẽ làm viết mổ không lành và nguy hiểm đến bệnh nhân.
Nợ cũng tương tự như vậy, nó cũng có hai mặt. Giả sử, một công ty đang rất cần vốn để mở rộng sản xuất, năng cao nâng lực cạnh tranh thì việc bổ sung nguồn vốn bằng cách vay nợ từ chính quyền hay ngân hàng là rất cần thiết. Điều này sẽ giúp công ty phát triển. Nhưng ngược lại, nếu một cá nhân đi vay để tiêu dùng, mua I-phone, xe đời mới chẳng hạn. Các đối tượng được sử dụng vốn (điện thoại, xe) lại không tạo ra bất kì dòng tiền dương nào thì nợ lúc này sẽ là gánh nặng đối với con nợ. Việc vay để dùng cho tiêu sản chứ không phải tài sản, nó sẽ làm bạn khốn khó nhiều hơn và được xem là việc không nên làm.
Ranh giới giữa nợ tốt và nợ xấu
Ngoài ra, việc vay vượt quá khả năng chi trả cũng là một vấn đề hết sức lưu ý. Nhất là khi bạn có kế hoạch mua những tài sản lớn như bất động sản, nhà ở, chung cư hoặc ô tô. Một quy tắc nên nhớ là không được vay quá 50% giá trị của bất động sản hay món hàng đó.
Có nên đưa ra lời khuyên cho người khác về tài chính
Tôi nhận thấy rằng, có nhiều người rất thích đưa ra lời khuyên. Đặc biệt là các lời khuyên về tình yêu và tài chính. Nhưng đôi khi bản thân người này không đạt bất kì một thành tựu nào trong chủ đề mà họ sắp nói tới. Ví dụ như họ chưa có mối tình vắt vai, nhưng vẫn làm quân sư quạt mo cho thằng bạn cùng phòng. Hoặc những người vẫn còn chật vật với cơm áo gạo tiền nhưng lại khuyên người khác về kinh doanh, làm giàu không khó.
Thú thật, tôi cũng hành xử như thế trong một vài trường hợp, trước khi nhận ra mình lấy tư cách gì để khuyên người khác. Vì thế, tôi tự nhủ với mình rằng nên sử dụng lỗ tai để lắng nghe nhiều hơn là cái miệng. Đặt biệt là đối với những người lớn hơn, hoặc thậm chí là những người trạc tuổi. Khi nào nội hàm của bạn đủ mạnh, bạn đã kinh qua và đạt được nhiều thành tích. Khi đó không cần bạn chủ động khuyên trước, mà sẽ có người sẵn sàng đến xin lời khuyên của bạn.
Tác giả
Nguyễn Văn Vĩ